1. Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT)

Luật NLNT do Quốc hội khóa 12 ban hành năm 2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009.
Luật NLNT quy định về các hoạt động trong lĩnh vực NLNT và các yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh đối với các hoạt động đó.
Liên quan đến nguồn phóng xạ, các hoạt động sau được điều chỉnh bởi Luật NLNT:

  • Vận hành các thiết bị chứa nguồn phóng xạ;
  • Lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ;
  • Xử lý, lưu giữ, chôn cất nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;
  • Nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ;
  • Đóng gói, vận chuyển nguồn phóng xạ;

Các quy định liên quan về an ninh nguồn phóng xạ trong Luật NLNT:

Điều 22. Trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ

Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ phải bảo đảm các biện pháp an ninh sau:

  • Kiểm soát việc tiếp cận nguồn phóng xạ, ngăn chặn người không có nhiệm vụ tiếp cận nguồn phóng xạ;
  • Thực hiện các quy định pháp luật và điều kiện về bảo đảm an ninh ghi trong giấy phép;
  • Có biện pháp kiểm soát việc chuyển giao nguồn phóng xạ trong nội bộ cơ sở;
  • Tiến hành kiểm đếm định kỳ tối thiểu hàng năm để xác nhận điều kiện bảo đảm an ninh của nguồn;
  • Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm an ninh nhằm mục tiêu phat hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi tiếp cận trái phép và phá hoại nguồn phóng xạ, nhanh chóng thu hồi nguồn phóng xạ bị đánh cắp, chiếm đoạt hoặc sử dụng bất hợp pháp, giảm thiểu tác hại trong trường hợp nguồn phóng xạ bị phá hoại.
  • Bảo đảm bí mật thông tin về các biện pháp bảo đảm an ninh hay hệ thống bảo đảm an ninh.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, an ninh hạt nhân:

  • Xây dựng và cập nhật hệ thống thông tin nguồn phóng xạ quốc gia.

Điều 30. Trách nhiệm trong trường hợp nguồn bị mất cắp, thất lạc, chiếm đoạt

Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ bị mất cắp, thất lạc, bị chiếm đoạt:

  • Phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân, cơ quan công an nơi gần nhất, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân);
  • Phối hợp với cơ quan công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ;
  • Chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc tìm kiếm, xử lý nguồn phóng xạ;
  • Bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Điều 62. Trách nhiệm bảo đảm an ninh trong vận chuyển nguồn phóng xạ

Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

  • Phải lập và thực hiện kế hoạch bảo đảm an ninh và kế hoạch ứng phó sự cố đối với các tình huống mất an ninh đối với nguồn phóng xạ trong vận chuyển.

2. Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ

Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN Hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 29/12/2010 và có hiệu lực thi hành từ 12/2/2011.

Thông tư quy định về yêu cầu bảo đảm an ninh đối với các nguồn phóng xạ kín.

Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ là việc áp dụng các biện pháp (kỹ thuật và hành chính) nhằm ngăn chặn hành động tiếp cận bất hợp pháp, đánh cắp, chiếm đoạt, phá hoại và chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ; bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.

Nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ:

  • Người được cấp giấy phép phải chịu trách nhiệm cao nhất về bảo đảm an ninh cho nguồn phóng xạ.
  • Yêu cầu bảo đảm an ninh phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ được chia thành 4 mức A, B, C và D. Mức an ninh được xác định dựa theo phân nhóm nguồn phóng xạ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ QCVN 6: 2010/BKHCN ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29/12/2010.

Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A

Nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A: là các nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị nhiệt điện phóng xạ, thiết bị chiếu xạ khử trùng và bảo quản thực phẩm, thiết bị chiếu xạ mô máu, thiết bị xạ trị Co60, thiết bị xạ phẫu dao gamma.

Yêu cầu bảo đảm an ninh trong quá trình sử dụng:

Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh;

1. Lắp đặt thiết bị phát hiện, báo động sự tiếp cận trái phép khu vực kiểm soát an ninh;
2. Lắp đặt thiết bị quan sát nhằm giám sát liên tục nguồn phóng xạ;
3. Lắp khóa an ninh cho các cửa ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ;
4. Kiểm đếm nguồn hàng ngày và lập thành hồ sơ;
5. Xây dựng quy định về việc chuyển giao nguồn trong cơ sở;
6. Tổ chức lực lượng bảo vệ để theo dõi các thiết bị phát hiện, báo động và giám sát nguồn và ứng phó ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời hoặc phá hoại nguồn phóng xạ;
7. Kiểm soát nhân thân các nhân viên bảo vệ và nhân viên làm việc với nguồn phóng xạ;
8. Trang bị đầy đủ phương tiện thông tin liên lạc cho lực lượng bảo vệ và lực lượng ứng phó;
9. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình liên quan đến hoạt động bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ;
10. Quy định rõ trách nhiệm các đối tượng liên quan trong công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ;
11. Báo cáo Cục An toàn bức xạ, hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương khi xảy ra sự cố mất an ninh đối với nguồn phóng xạ.

Yêu cầu bảo đảm an ninh trong quá trình lưu giữ:

1. Thực hiện các yêu cầu như đối với trường hợp sử dụng;
2. Sử dụng kho riêng biệt để lưu giữ;
3. Sử dụng bình hoặc thiết bị chứa nguồn có khóa và áp dụng các biện pháp chống di dời nguồn;
4. Lập sổ kho kiểm soát việc xuất, nhập nguồn từ kho.
Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh B

Nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh B: là các nguồn phóng xạ sử dụng trong địa vật lý giếng khoan và các thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, thiết bị xạ trị áp sát suất liều cao, thiết bị đo mức trong công nghiệp, thiết bị điều khiển dây chuyền băng tải, thiết bị đo mức trong lò nung (xi măng, thép), thiết bị đo trong các tàu nạo vét bùn, thiết bị đo kiểm tra đường ống.

Yêu cầu bảo đảm an ninh trong quá trình sử dụng:

1. Như yêu cầu bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ mức an ninh A trừ các nội dung về lắp đặt thiết bị phát hiện báo động và thiết bị giám sát, thành lập lực lượng bảo vệ và ứng phó.
2. Riêng đối với yêu cầu kiểm đếm thực hiện kiểm đếm hàng tuần.
3. Khi sử dụng di động phải lập rào chắn và cử người giám sát liên tục việc tiếp cận khu vực làm việc, bố trí nơi cất giữ nguồn phóng xạ trong thời gian không sử dụng bảo đảm an ninh, lập nhật ký sử dụng nguồn phóng xạ, kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc, phân công người chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ khi làm việc ngoài hiện trường.

Yêu cầu bảo đảm an ninh khi lưu giữ:

1. Lắp khóa an ninh cho cửa ra vào kho, xây dựng quy trình quản lý chìa khóa kho;
2. Xây dựng quy định về việc chuyển giao nguồn trong cơ sở;
3. Kiểm soát nhân thân các nhân viên bảo vệ kho;
4. Tổ chức lực lượng bảo vệ giám sát sự tiếp cận trái phép khu vực kho;
5. Kiểm đếm nguồn hàng tuần và lập thành hồ sơ;
6. Quy định rõ trách nhiệm các đối tượng liên quan trong công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ;
7. Báo cáo Cục An toàn bức xạ, hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương khi xảy ra sự cố mất an ninh đối với nguồn phóng xạ.

Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh C

Nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh C: là các nguồn phóng xạ sử dụng trong xạ trị áp sát suất liều thấp và trong các thiết bị đo chiều dày trong dây truyền sản xuất, thiết bị đo mức điền đầy các bình kín trong các dây truyền sản xuất nước giải khát, thiết bị đo độ ẩm / độ chặt nền đường, thiết bị đo mật độ, thiết bị phân tích huỳnh quan tia X.

Yêu cầu bảo đảm an ninh trong quá trình sử dụng cố định:

1. Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh và lập rào chắn nơi đặt nguồn phóng xạ;
2. Xây dựng quy trình kiểm soát ra vào khu vực kiểm soát an ninh;
3. Làm lồng kim loại bảo vệ hộp chứa nguồn có khóa bảo vệ;
4. Kiểm đếm nguồn hàng tháng và lập thành hồ sơ.
5. Xây dựng quy định về việc chuyển giao nguồn trong cơ sở;
6. Xây dựng quy trình ứng phó đối với tình huống mất an ninh đối với nguồn phóng xạ;
7. Báo cáo Cục An toàn bức xạ, hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương khi xảy ra sự cố mất an ninh đối với nguồn phóng xạ.

Yêu cầu bảo đảm an ninh trong quá trình sử dụng di động:

Khi sử dụng di động phải lập rào chắn và cử người giám sát liên tục việc tiếp cận khu vực làm việc, bố trí nơi cất giữ nguồn phóng xạ trong thời gian không sử dụng bảo đảm an ninh, lập nhật ký sử dụng nguồn phóng xạ, kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc, phân công người chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ khi làm việc ngoài hiện trường.

Yêu cầu bảo đảm an ninh trong quá trình lưu giữ:

1. Lắp khóa an ninh cho cửa ra vào kho, xây dựng quy trình quản lý chìa khóa kho;
2. Xây dựng quy định về việc chuyển giao nguồn trong cơ sở;
3. Kiểm soát nhân thân các nhân viên bảo vệ kho;
4. Tổ chức lực lượng bảo vệ giám sát sự tiếp cận trái phép khu vực kho;
5. Kiểm đếm nguồn hàng tháng và lập thành hồ sơ;
6. Quy định rõ trách nhiệm các đối tượng liên quan trong công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ;
7. Báo cáo Cục An toàn bức xạ, hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương khi xảy ra sự cố mất an ninh đối với nguồn phóng xạ.

Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D

Nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D: là các nguồn phóng xạ kiểm tra máy PET, các tấm áp mắt suất liều thấp, các nguồn chuẩn dùng cho thiết bị xạ hành đường bộ địa chất và các nguồn phóng xạ sử dụng trong thiết bị phân tích bắt điện tử, thiết bị thu sét, phổ kế Mossbauer.

Yêu cầu bảo đảm an ninh: Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng năm.

Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong vận chuyển đường bộ và đường sắt

Trách nhiệm bên gửi hàng:

  • Phối hợp với bên vận chuyển xây dựng kế hoạch vận chuyển để giảm thiểu các tình huống ảnh hưởng đến tính bảo đảm an ninh của nguồn phóng xạ;
  • Xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trên đường vận chuyển và phổ biến cho người tham gia vận chuyển.

Trách nhiệm bên vận chuyển:

  • Sử dụng phương tiện vận chuyển bảo đảm an toàn, sử dụng thùng có khóa được gắn chặt với phương tiện vận chuyển có khóa và niêm phong để chứa kiện hàng nguồn phóng xạ;
  • Kiểm soát nhân thân người tham gia vận chuyển;
  • Áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh đã xây dựng;
  • Bảo đảm điều kiện để liên lạc kịp thời giữa bên vận chuyển, người tham gia vận chuyển, cơ quan công an và cơ quan hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp;
  • Khi vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc nhóm an ninh A bằng đường bộ phải có lực lượng công an đi kèm cùng chuyến hàng;
  • Tổ chức giám sát hành trình của phương tiện vận chuyển trong suốt thời gian vận chuyển;
  • Báo cáo Cục An toàn bức xạ, hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương khi xảy ra sự cố mất an ninh đối với nguồn phóng xạ

3. Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN

Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 21/7/2015 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ban hành ngày 29/12/2010.

4. Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ

Trước tình hình vẫn xảy ra các sự cố mất nguồn phóng xạ, để tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trong cả nước, ngày 04/11/2014 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Chỉ thị số 4050/CT-BKHCN về việc tăng cường công tác quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ. Nội dung chỉ thị đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở, ban ngành thực hiện các nôi dung sau:

a. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trên các phương tiện thông tin đại chúng của các địa phương.
b. Tổ chức kiểm kê các nguồn phóng xạ để báo cáo Bộ KH&CN trước ngày 25/12/2014.
c. Đào tạo bồi dưỡng kiến thức an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, văn hóa an toàn và văn hóa an ninh trong chấp hành và thực thi các quy định của pháp luật cho các cơ sở tiến hành công việc bức xạ tại địa phương.
d. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
e. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh trước ngày 01/6/2015.

5. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý an toàn, an ninh nguồn phóng xạ

Nhằm tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 10/7/2015:

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:

  • Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
  • Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ, việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
  • Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo huấn luyện.
  • Xây dựng và cập nhật hệ cơ sở dữ liệu nguồn phóng xạ trong cả nước.
  • Khẩn trương triển khai các hoạt động hoàn thiện hạ tầng quốc gia về bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
  • Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện việc vận chuyển, buôn bán trái phép các vật liệu phóng xạ, nguồn phóng xạ

Đối với các cơ sở sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ:

  • Nâng cao nhận thực trong lãnh đạo và nhân viên của cơ sở về trách nhiệm bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ; đẩy mạnh văn hóa an toàn và văn hóa an ninh trong cơ sở.
  • Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và quản lý chặt chẽ các nguồn phóng xạ; chịu trách nhiệm trực tiếp về mọi hành vi vi phạm.
  • Chủ động, tích cực trong ứng phó, giảm thiểu tác hại khi xảy ra sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ.

Nguồn: http://www.varans.vn/tin-tuc/3673/he-thong-vbqppl-lien-quan-den-bao-dam-an-ninh-nguon-phong-xa.html

Leave a Reply