Sự cố mất nguồn phóng xạ (NPX) khi đã xảy ra luôn gây tốn kém lớn do phải huy động nhiều người cùng các lực lượng chức năng để tìm kiếm, xử lý. Do đó, việc đảm bảo an toàn luôn phải đặt ở mức cao nhất để người dân có thể yên tâm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc hội thảo tổng kết, đánh giá “Cuộc thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ và hạt nhân năm 2017” diễn ra sáng ngày 1/12 tại Hà Nội.
Khẳng định vai trò của năng lượng nguyên tử đối với sự phát triển kinh tế xã hội, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y tế… song Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng nhắc đến những sự cố, thảm họa do năng lượng nguyên tử trên thế giới, như vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki…
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo
Khái niệm “nguồn phóng xạ” nghe có vẻ xa vời nhưng thực tế lại được ứng dụng trong các lĩnh vực rất gần gũi với 92 triệu dân Việt Nam, như chiếu xạ cho nông sản, thủy sản, chụp, chiếu để phát hiện và điều trị bệnh, kiểm tra độ chặt của đường sá, kiểm tra độ mịn và nhiều thông số khác trong các nhà máy bia, rượu…
“NPX có những đặc tính mà không có chất nào thay thế được. Do đó, lượng NPX của Việt Nam sẽ tăng đột biến cùng với sự tăng trưởng của kinh tế. Công nghiệp phát triển không thể không có NPX” – Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn NPX phải được chú trọng.
Ông Trương Hồng Dương – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN – cho biết, tính đến cuối năm 2016, toàn quốc có 1.121 cơ sở sử dụng NPX với tổng số 3.932 nguồn. Có 56/63 tỉnh/thành phố triển khai thanh tra chuyên đề theo Công văn số 1103/BKHCN-Ttra ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong 880 cơ sở đã được thanh tra – gồm 589 cơ sở có NPX và 291 cơ sở X-quang, có 84 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, chiếm 9,55%, tổng số tiền phạt là 552 triệu đồng.
Ông Trương Hồng Dương báo cáo tại hội thảo
Một số địa phương đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Bắc Kạn, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Thanh Hóa, Hải Phòng… Ngoài phạt tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng NPX; buộc bổ nhiệm người phụ trách an toàn; buộc đọc liều kế cá nhân theo quy định…
Mặc dù công tác quản lý NPX thời gian qua được đặc biệt chú trọng thông qua việc xây dựng hành lang pháp lý, kiểm tra song thực tế còn rất nhiều khó khăn. TS Dương Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – nêu một số khó khăn, bất cập trong công tác quản lý NPX hiện nay: Chưa có quy định cụ thể việc lưu giữ tạm thời, cất giữ NPX đối với từng trường hợp cụ thể khi tạm ngừng sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị…; chưa quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy định nội bộ về bảo đảm an ninh NPX, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố mất an ninh NPX…
“Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu còn chưa cao, nhận thức pháp luật còn hạn chế nhưng chưa có biện pháp thích hợp để quản lý, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời” – ông Hùng nói.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề nghị đại diện các địa phương, các đơn vị làm chuyên môn hay trực tiếp quản lý trong địa bàn chỉ rõ thực trạng ở địa phương mình, ngành mình đối với vấn đề an toàn, an ninh phóng xạ để cơ quan quản lý nhà nước sớm có giải pháp phù hợp.