IAEA định nghĩa “Văn hóa an toàn là một tập hợp các đặc điểm và thái độ của tổ chức và cá nhân được thiết lập để các tổ chức và cá nhân đó chú trọng đến các vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân như là một ưu tiên hàng đầu”. [Tài liệu INSAG-4, IAEA-1991]. Năm 2004, Viện Vận hành Điện hạt nhân Hoa Kỳ (INPO) đưa ra khái niệm “Văn hóa an toàn là các giá trị và các ứng xử của một tổ chức – được thiết lập bởi lãnh đạo và được đưa vào ý thức của các thành viên – để làm cho an toàn trở thành một ưu tiên hàng đầu”.

Bản chất của văn hóa an toàn là việc xây dựng một hệ thống đề cao vai trò của yếu tố tổ chức và yếu tố con người, nâng cao nhận thức của người lao động từ ý thức tuân thủ pháp luật đến hành vi và thói quen ứng xử phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân. Văn hóa an toàn được phát triển theo 3 giai đoạn:

(1) An toàn trên cơ sở luật pháp và quy định;

(2) An toàn trở thành mục tiêu của tổ chức; và

(3) An toàn luôn luôn có thể được tăng cường.

Giai đoạn 1 của văn hóa an toàn – phổ biến trong các tổ chức trong những năm 1980 trở về trước – xuất hiện khi một tổ chức nhấn mạnh mối quan tâm đến các quy trình, thủ tục. Khi một tổ chức chú trọng hơn đến lập kế hoạch và hoàn thiện các mục tiêu an toàn, họ đã bắt đầu ở giai đoạn 2. Từ cuối những năm 1980 và trong những năm 1990, văn hóa an toàn trong tổ chức (phổ biến ở các cơ sở hạt nhân) ở Giai đoạn 2 cùng với việc mở rộng sự tham gia của nhân viên. Nhân viên được khuyến khích tham gia các kế hoạch củng cố an toàn, thiết lập các mục đích an toàn và tiến trình kiểm soát việc thực hiện mục đích. Giai đoạn 3 đến cùng với việc tổ chức khẳng định tiếp tục củng cố và hoàn thiện vấn đề an toàn một cách tốt nhất. Lúc này, tổ chức đã đạt được sự phát triển văn hóa và duy trì cùng với sự thường xuyên cải thiện. Để làm được việc này, tổ chức đã có sự am hiểu tốt hơn về việc làm thế nào để thay đổi văn hóa và khám phá khái niệm về văn hóa. Những người lãnh đạo tổ chức trở nên quen thuộc hơn với khái niệm văn hóa và sự cần thiết xem xét các vấn đề một cách mềm dẻo hơn. Giai đoạn 3 được hình thành cuối những năm 1990 và đang được phát triển.

Để xây dựng, củng cố và duy trì văn hóa an toàn, điều quan trọng nhất đối với từng cá nhân trong tổ chức, đặc biệt là các cấp lãnh đạo và quản lý là nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hóa an toàn đối với sự tồn tại và phát triển của tổ chức. Tinh thần tốt nhất là mọi thành viên tổ chức luôn luôn có một thái độ học hỏi để nhận thức và nhận thức lại về văn hóa an toàn, biến khái niệm này thành một yếu tố nội tại của tổ chức, một yếu tố luôn có khả năng đổi mới và hoàn thiện.

Văn hóa an toàn liên quan mật thiết đến sự phát triển của tổ chức. Hầu hết mọi thay đổi về quy trình đều cần có (thậm chí xuất phát từ) sự thay đổi cách ứng xử. Ví dụ điển hình về nhận thức lại là cách tiếp cận đối với an toàn. Bản chất và gốc gác của công nghiệp hạt nhân dẫn đến đề cao an toàn do kỹ thuật và ít tính đến yếu tố con người. Cùng với văn hóa an toàn, mọi người sẽ nhận thức lại về sự phát triển của an toàn quan điểm thuần túy kỹ thuật đến quan điểm xã hội – kỹ thuật và văn hóa. Việc nhận thức lại cho phép chúng ta nghĩ về một cách làm việc mới tốt hơn.

Để có một nền văn hóa an toàn lành mạnh, INPO đã đề ra tám nguyên tắc xây dựng văn hóa an toàn sau đây:

1) Từng thành viên tổ chức chịu trách nhiệm cá nhân về an toàn: Trách nhiệm và thẩm quyền về an toàn phải được xác định rành mạch và giải thích rõ ràng.

(2) Lãnh đạo phải cam kết về an toàn: Người đứng đầu, ban lãnh đạo của tổ chức là những người ủng hộ hàng đầu cho an toàn và thể hiện cam kết của mình bằng cả lời nói và hành động.

(3) Sự tin cậy trong tổ chức: Sự tin cậy lẫn nhau được thiết lập trong tổ chức, được nuôi dưỡng và qua việc trao đổi thông tin kịp thời và chính xác.

(4) Việc ra quyết định phải phản ánh được an toàn là số một: Cần có tính hệ thống và khắt khe trong khi ra quyết định để góp phần vào sự an toàn và tin cậy khi tiến hánh công việc.

(5) Công nghệ được ghi nhận là yếu tố đặc biệt và duy nhất: Các đặc trưng của công nghệ được tính đến trong tất cả các quyết định và hoạt động.

(6) Thái độ hoài nghi được trau dồi: Các cá nhân thể hiện thái độ hoài nghi qua việc đòi hỏi các giả định, việc điều tra các bất thường và đánh giá các hậu quả tiềm tàng của các hoạt động đã được lập kế hoạch.

(7) Việc học tập có tổ chức được khuyến khích: Kinh nghiệm hoạt động (vận hành) được đề cao giá trị và khả năng học tập kinh nghiệm được phát triển tốt.

(8) An toàn được kiểm tra thường xuyên: Việc giám sát được thực hiện để tăng cường an toàn và hoàn thiện công việc./.

Leave a Reply